Trạng nguyên Trần Tất Văn
Thân thế và sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Tất Văn đã được nhiều chính sử ghi chép lại: Trạng nguyên Trần Tất Văn sinh ra trong một gia đình họ Trần - dòng dõi nhà nho ở thời hậu Lê tại làng Nguyệt Áng xã Thái Sơn huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Do xuất thân là dòng dõi quý tộc, được thừa hưởng tư chất thông minh và được học hành đầy đủ nên ngay từ nhỏ Trần Tất Văn đã nổi tiếng về hiếu học, chăm ngoan. Qua nhiều năm miệt mài đèn sách ông đã vượt qua kỳ thi Hương (đỗ Giải nguyên), thi Hội (đỗ Hội nguyên) thi Đình (đỗ Trạng nguyên) - học vị cao nhất tại kỳ thi năm Bính Tuất niên hiệu Thống nguyên (1526) đời Lê Cung Hoàng. Ông là Trạng nguyên duy nhất của huyện An Lão dưới thời phong kiến, đồng thời đứng thứ 30 trong tổng số 47 Trạng nguyên của cả nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Tất Văn
Trần Tất Văn đỗ trạng nguyên khi mà giai đoạn thịnh trị của nhà Lê không còn nữa. Sau thời gian Lê Hiến Tông ngắn ngủi, nối tiếp thời Lê Thánh Tông huy hoàng là đến các vua chúa, cháu chắt nhà Lê từ Kỳ Mạc đến Tương Dực trở đi biến cung đình thành chốn ăn chơi, xa hoa, truỵ lạc.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung thoán đoạt ngôi nhà Lê, lập ra một triều đại mới, từ đấy ông làm quan với tân triều. Do tài cao đức rộng, nhà Mạc phong cho ông chức Thượng thư – Tước hàm xuyên bá. Triều đình nhà Mạc nhất là Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh rất quý trạng nguyên Trần Tất Văn, coi ông là đồng hương Dương Kinh tin cậy. Trạng nguyên Trần Tất Văn được giao trọng trách soạn thảo thư từ, trao đổi ngoại giao giữa triều Mạc với nhà Minh. Trạng nguyên Trần Tất Văn có lần triều Mạc đã cử ông đi sứ.
Năm Đinh Dậu 1537, nhà Minh đưa quân sang đánh nhà Mạc do Cửu Loan làm đô đốc và Mai Bác Ôn làm Tám lý quân vụ chỉ huy. Trần Tất Văn có soạn một bài biểu gửi tướng Mai Bá Ôn. Bài biểu đã được chép lại trong sách “Công dư hiệp ký” của Vũ Phương Đề. Lời nói khúc triết, đanh thép, trong đó có câu “Trách cho nước tôi võ nhân ít học, thì lễ nghĩa sao đáng trách móc? Bảo thương dân An Nam vô tội lỡ nào mang gươm giáo đâm chém”. Tương truyền Tương Minh đọc biểu của ông xúc động rơi nước mắt rồi quyết định rút quân, một bài biểu lui vạn binh.
Trong cuốn: Trương Tửu – Kinh thi Việt Nam do nhà sách Hoa Tiên Sài Gòn xuất bản năm 1958, trag 180 ông Trương Tửu đã viết: “Muốn công bằng hơn, ta phải biết ơn đôi ba người trong nho phái đã lưu tâm đến phong giao, tục ngữ nước nhà, như các ông Trần Tất Văn, Vương Duy Trinh, Ngô Giáp Đậu”. Chính những quyển sưu tập của các ông này đã giúp được nhiều tài liệu cho ông Nguyễn Văn Ngọc (Ôn như Nguyễn Văn Ngọc) biên tập 2 tập tục ngữ, phong giao(năm 1928). Xếp theo từ thời đại các triều Vua Kinh Dương Vương đến Bản Triều. Như vậy trạng nguyên Trần Tất Văn không chỉ là một quan chức phong kiến mà còn là một nhà văn hoá.
Trong dân gian vẫn lưu truyền, trạng nguyên Trần Tất Văn có nhiều công lao đóng góp xây dựng quê hương, để lại nhiều ân đức cho dân làng như: dựng cầu đá qua đầm (cầu ông Trạng), đắp đường đi, khắc bia tiên hiền, xây văn từ hàng huyện để khuyến dương học sự và tế tiên sư trước lúc đi thi, cấp đất, xây Chùa thờ Phật.
39 năm sau, con trai ông là Trần Tảo đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi năm Ất Sửu (1565) niên hiệu Thần phúc thứ 4 đời Mạc Mục Tông, làm quan đến chức Thừa Chánh sứ. The Lê triều thống sứ ngày 14/1 năm Quý Mùi (1593) quân nhà Mạc thua to, Trần Thảo (Tảo ?) cùng nhiều quan lại nhà Mạc bị quân Lê Trịnh bắt và sát hại ở bến Thảo Tân.
Để trả thù nhà Mạc, triều đình Lê Trịnh sau khi đốt cháy cung điện Cổ Trai (Dương Kinh) của nhà Mạc đã kéo về làng Nguyệt Áng tru di tam tộc, đập nát từ đường, cho tới bia mộ dòng họ Trần Tất Văn, triệt cả xóm làng.
Để ghi nhớ công ơn trạng nguyên Trần Tất Văn, dân làng Nguyệt Áng đã lập đền thờ ông tại khu Chùa Vĩnh Khoái Tự. Hàng năm cứ vào ngày 10/11 âm lịch là ngày đại tế để tế ông và Thành Hoàng làng.